Tranh chấp với hàng xóm
Hai bên lối xóm của quí vị có dễ chịu không?
Sống sát bên nhau, hàng xóm có khi là một mối giao tình thân thiết, những cũng lắm lúc là một nỗi nhức đầu vì giữa hàng xóm với nhau có thể phát sinh ra nhiều vấn đề rất đời thường.
Chẳng hạn như chó hàng xóm sủa dai dẳng vượt rào sang sân nhà bạn. Như cây cối hàng xóm mọc mất trật tự, như hàng rào hai bên sắp sập đến nơi mà hai nhà vẫn chưa đồng ý nên thay loại hàng rào nào? Như nhà hàng xóm ồn ào quá, vợ chồng đánh chửi nhau hằng ngày, con cái mở nhạc hát Karaoke ông ổng làm điếc tai láng giềng...
Trong nhiều trường hợp, người ta chọn cách tìm nhau nói chuyện và lắng nghe quan điểm của nhau để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Vì không ai muốn gây ác cảm với kẻ ở sát vách nhà mình để ra vào lườm nguýt nhau hằng ngày, giống như suy nghĩ “Bán an hem xa, mua láng giềng gần” của người Việt mình:
Nhưng cũng có những trường hợp mâu thuẫn giữa hai bên không thể hòa giải để đi đến một giải pháp được và cả hai đều muốn khởi kiện. Nhưng trước khi đưa nhau ra tòa, quí vị cần biết những luật căn bản về vài vấn đề mà hai bên hàng xóm dễ xảy ra tranh chấp nhất.
* Về cây cối
Các tranh chấp về cây cối giữa lối xóm với nhau chịu sự chi phối của luật Trees Disputes Between Neighbours Act 2006.
Đạo luật này quy định cách xét xử các tranh chấp về cây cối khi cần có sự can thiệp của tòa án. Nếu cây của hàng xóm nhô cao và gây trở ngại cho nhà của bạn, hãy nói chuyện với họ.
Chớ lấy cưa máy cắt phăng đi cây của lối xóm khi chưa tìm hiểu hỏi hội đồng thành phố xem đó có phải là cây được bảo tồn hay không?
Nếu chẳng may mưa to gió lớn, cây đổ gây thiệt hại cho tài sản của bạn, bạn có thể đòi người hàng xóm bồi thường thiệt hại.
Nếu cây của hàng xóm mọc chìa sang nhà bạn, bạn được phép cắt bỏ những cành hoặc rễ đè lên bất động sản của bạn. Tuy nhiên, trong quá trình chặt bỏ những cành chìa sang nhà mình mà cây bị chết, bạn có thể phải chịu trách nhiệm.
Nếu thấy đây là loại cây vô dụng, quá lớn, phải quét lá nhiều, rễ cây làm hư hại vườn tược và bạn muốn chặt bỏ, hãy nói chuyện với hàng xóm về việc ai sẽ chịu chi phí cho việc thuê người chặt. Nếu không thể đi đến một thỏa thuận nào cả, bạn có thể làm đơn theo đạo luật Trees Disputes Between Neighbours.
* Tiếng ồn
Nếu bị làm phiền vì hàng xóm thường xuyên ồn ào bạn có thể khiếu nại với cảnh sát hoặc hội đồng thành phố. Nếu tiếng ồn quá lớn, người chịu trách nhiệm gây ra tiếng ồn có thể bị kết tội hình sự của tiểu bang NSW hoặc bị phạt vi cảnh.
* Hàng rào
Tại tiểu bang NSW, các tranh chấp liên quan đến hàng rào láng giềng được đạo luật Dividing Fences Act 1991 chi phối.
Nếu thấy cần xây hoặc sửa chữa hàng rào, trước tiên bạn nên kiểm tra với hội đồng thành phố địa phương xem trong khu vực cư trú của mình có những hạn chế hoặc quy định nào về hàng rào hay không?
Theo đạo luật Dividing Fences Act 1991, chủ nhân hai nhà sát nhau phải chia sẻ chi phí để sửa hay thay hàng rào mới. Hàng rào loại nào được phép thay phải bền chắc như loại hàng rào đã được dựng trước đây giữa hai nhà.
Nếu một bên chủ nhà muốn thay hàng rào khác (cao hơn hay bằng những vật liệu khác với hàng rào đang có) mà chủ nhà bên cạnh không đồng ý, người muốn thay đổi phải trả chi phí chênh lệch cho hàng rào mà mình muốn dựng.
Nếu hai bên hàng xóm không thể đạt được thỏa thuận về loại hàng rào và chi phí của hàng rào, bạn có thể gửi cho hàng xóm của mình một thông báo về hàng rào, trong đó phải nêu rõ vị trí, loại gì và chi phí ước tính của công việc hàng rào được đề nghị cũng như khoản đóng góp của mỗi bên. Nếu không có thỏa thuận, một tháng sau khi thông báo được tống đạt, bạn có thể đưa việc dựng hàng rào ra Tòa địa phương xử.
* Thú nuôi
Các tranh chấp liên quan đến thú vật mà hai nhà nuôi chịu đạo luật Companion Animals Act 1998 chi phối.
Đạo luật này đưa ra các trường hợp khi chó và mèo nuôi trong nhà bị coi là gây phiền toái cho hàng xóm. Chẳng hạn như khi chúng gây ra tiếng ồn quá mức hoặc làm hư hại nhà cửa của hàng xóm.
Nếu muốn phàn nàn về một con chó sủa suốt ngày hay con mèo hay sang phóng uế, ăn vụng bên vườn nhà hãy nói chuyện với chủ nhân của chúng và cố gắng tìm cách giải quyết. Nếu đã nói rồi mà mọi việc vẫn cứ xảy ra, hãy liên lạc với hội đồng thành phố địa phương của bạn.
Trong trường hợp bạn chính là chủ nhân của các con vật đang gây phiền toái, hãy làm mọi cách để tránh làm phiền lối xóm. Vì nếu không bạn sẽ nhận được một giấy phạt lên đến $ 880 cho lần vi phạm đầu tiên và lên đến $ 1,650 cho lần vi phạm tiếp theo.
*Làm sao để giải quyết tranh chấp với hàng xóm?
Theo các chuyên gia, hãy nói chuyện trực tiếp với hàng xóm và lắng nghe quan điểm của họ để có thể giúp duy trì tình thân giữa hai bên, và tránh để vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu đã nói chuyện rồi mà không xong, hãy thử nhờ một bên thứ ba giúp đỡ.
Đây có thể là một người hàng xóm khác hoặc người khác không liên quan đến tranh chấp.
Nếu những nỗ lực không chính thức để giải quyết tranh chấp không thành công, hãy thử hòa giải tại Trung tâm Tư pháp Cộng đồng (local Community Justice Centre) của bạn.
*Có nên lôi hàng xóm ra tòa không?
Nếu không thể giải quyết tranh chấp với hàng xóm của mình thông qua hòa giải hoặc các cách không chính thức, bạn có thể cần phải xem xét đến việc kiện họ ra tòa.
Tuy nhiên, nên nhớ đưa nhau ra tòa luôn phải là biện pháp cuối cùng chẳng đặng đừng và thường thì bạn sẽ được yêu cầu cố gắng hòa giải trước khi tòa án đồng ý phân xử một vấn đề.
Nếu bạn đang cân nhắc kiện hàng xóm ra tòa, bạn nên nhận một số lời khuyên pháp lý từ luật sư trước.
Oxford Law Group
Comments